Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

4 lưu ý khi đi vay tiền ngân hàng

Đọc kỹ các điều khoản hợp đồng, nếu chưa rõ cần trao đổi ngay và yêu cầu cập nhật cụ thể vào trong hợp đồng. Ngoài ra, người vay nên cân nhắc thời hạn và khả năng trả nợ.

Trao đổi kỹ các khoản phí, phạt trước khi ký hợp đồng

Vay thì dễ, nhưng khách hàng sẽ gặp rắc rối khi phát sinh trả trước hạn hoặc quá hạn. Thông thường, các ngân hàng có phí phạt dao động 1-3% trên dư nợ còn lại khi khách hàng trả nợ trước hạn và áp dụng lãi suất từ 1,1 đến 1,5 lần lãi suất trong hạn đối với khoản nợ quá hạn. Vì vậy, trước khi ký hợp đồng, người vay cần phải trao đổi kỹ với nhân viên tín dụng về các mức phí phạt cụ để nếu vướng vào các trường hợp này sẽ không phải chịu thiệt thòi.
Như trường hợp chị Tuyền ở TP HCM, vì tâm lý nôn nóng của người đi vay và ký nhanh để hoàn tất hồ sơ nhận tiền nên đã không trao đổi kỹ về điều khoản trả nợ trước hạn sẽ bị phạt như thế nào để cập nhật cụ thể vào hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng. Do đó, khi phát sinh nhu cầu phải bán căn nhà là tài sản thế chấp, chị buộc phải đến ngân hàng xin tất toán hợp đồng tín dụng trước hạn sau 5 tháng vay (hợp đồng tín dụng có thời hạn vay gần 9 năm). Kết quả là chị bị nhà băng phạt đến 248 triệu đồng cho số dư nợ gốc 2,777 tỷ đồng.
ngan-hang-12-aq500-6302-139398-9826-3402
Cần hỏi kỹ các điều khoản về phí, phạt trước khi ký hợp đồng vay.
Hiểu đúng về lãi suất
Để thu hút người vay, nhiều ngân hàng hiện nay liên tục cạnh tranh bằng các chương trình vay ưu đãi với lãi suất hấp dẫn nhưng thường chỉ áp cho vài tháng đầu, sau đó thả nổi. Do vậy, khách hàng khi vay cần tìm hiểu kỹ xem thời gian ưu đãi là bao lâu, lãi suất sau thời gian ưu đãi sẽ được tính toán cụ thể thế nào, các kỳ điều chỉnh lãi suất...
Ngoài ra, người đi vay cần chú ý đến cách tính lãi của ngân hàng. Hiện nay, nhà băng có hai hình thức tính lãi là tính theo dư nợ giảm dần và tính theo dư nợ thực tế.
Theo đó, có một số ngân hàng công bố mức lãi suất vay tiêu dùng chỉ 7-8% một năm để đánh vào tâm lý “lãi suất thấp”, nhưng lại tính theo dư nợ gốc ban đầu. Kết quả, khoản tiền lãi khách hàng phải trả có khi còn cao hơn mức lãi 10-11% tính theo dư nợ giảm dần.
Chọn thời hạn vay phù hợp
Tuỳ vào thu nhập và số tiền vay mà bạn nên cân nhắc kỹ thời hạn vay vốn sao cho phù hợp nhất. Nếu thu nhập thấp thì bạn nên kéo dài thời hạn vay, khi đó sẽ giảm số tiền gốc hàng tháng mà bạn phải trả cho ngân hàng.
Chẳng hạn, khi vay 100 triệu đồng, nếu bạn vay trong một năm thì mỗi tháng sẽ trả dư nợ gốc khoảng 8,4 triệu đồng kèm với lãi. Nhưng nếu thu nhập của bạn thấp, có thể kéo dài thời hạn vay lên thành hai năm. Khi đó, mỗi tháng bạn chỉ phải trả khoản dư nợ gốc tầm 4,2 triệu đồng kèm với lãi.
Cân nhắc khả năng trả nợ
Để tránh cảnh kiệt quệ tài chính, các chuyên gia khuyên người vay nên kiểm tra kỹ ngân sách, tổng thu nhập mỗi tháng trước khi vay. Việc trả nợ chỉ nên chiếm nhiều nhất khoảng 30-40% tổng thu nhập trong tháng của bạn. Nếu không, bạn rất có thể rơi vào cảnh đi vay nợ mới để trả nợ cũ.
Như trường hợp chị Thanh, nhân viên kế toán một công ty tại quận 10, TP HCM. Thu nhập của chị mỗi tháng tầm 6 triệu đồng, còn chồng thì khoảng 8 triệu. Vợ chồng chị với số tiền vốn khoảng 150 triệu đồng, vay thêm ngân hàng 450 triệu (thời hạn 5 năm) để mua một căn nhà cấp bốn (40m2) tại quận Bình Tân.
Với lãi suất khoảng 9% một năm, tính ra mỗi năm vợ chồng chị phải trả lãi 40,5 triệu đồng - tương đương 3.375.000 đồng mỗi tháng (trả theo từng tháng với dư nợ ban đầu). Dự tính trả nợ trong thời hạn 5 năm, nên mỗi tháng chị Thanh phải tích lũy riêng một phần khoảng 7,5 triệu để trả gốc cho đến khi tới hạn. Như vậy, tổng cộng cả lãi và gốc, mỗi tháng phải chi tầm 10,9 triệu đồng, còn hơn 3 triệu để chi tiêu.
Khổ nỗi, vì nhà quá xa nơi làm việc nên hàng tháng chỉ riêng tiền xăng của hai vợ chồng đã ngốn hơn một triệu đồng. Chính vì vậy, hàng tháng vợ chồng chị thường hay bị hụt tiền, buộc phải đi vay mượn thêm để thanh toán cho ngân hàng.
Hoài Thu

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Sốc với phí phạt trả nợ ngân hàng trước hạn

Vay ngân hàng 2,8 tỷ đồng, thời hạn gần 9 năm với lãi suất ưu đãi, sau 5 tháng chị Tuyền cần bán gấp căn nhà là tài sản thế chấp nên xin tất toán trước hạn. Ngân hàng thông báo phạt 248 triệu đồng.
Ngoài khoản phí trên, chị Tuyền ở TP HCM còn phải trả lại phần chênh lệch do ưu đãi lãi suất, tương đương gần 38 triệu đồng, nâng tổng số tiền cần phải thanh toán cho việc trả nợ trước hạn của chị lên gần 286 triệu đồng.
Phải trả lại tiền ưu đãi lãi suất, chị Tuyền không có ý kiến vì điều này đã được quy định rõ ràng tỏng hợp đồng. Nhưng chị thấy sốc vì khoản phí trả nợ trước hạn, hợp đồng quy định chung chung, không đưa ra công thức tính cụ thể. "Ngay trước lúc ký hợp đồng, tôi có thắc mắc về điều khoản này nhưng cán bộ tín dụng của ngân hàng không giải thích rõ ràng mà cứ bảo là sẽ tính theo quy định. Ở tư thế người đi vay tiền, tôi đành phải nhanh chóng ký vào hợp đồng", khách hàng này trần tình.
bank2-7114-1386750784.jpg
Khi vay, khách hàng nên đọc kỹ hợp đồng và thoả thuận các điều khoản.
Khi chị trả trước hạn cho khoản dư nợ gốc 2,777 tỷ đồng vào ngày 24/7 (tức khoảng 5 tháng sau ngày giải ngân), ngân hàng đã tính phí trả nợ trước hạn theo công thức: 40% x (lãi suất cho vay hiện tại-lãi suất huy động tiết kiệm tại ngày trả nợ) x số tiền trả nợ trước hạn x số ngày trả nợ trước hạn/360. Với công thức này, chị Tuyền phải trả hơn 248 triệu đồng, tương đương gần 9% dư nợ gốc.
"Tôi đã yêu cầu ngân hàng cung cấp văn bản về cách tính phí trả nợ trước hạn trên, nhưng họ từ chối với lý do đây là công văn nội bộ không cung cấp được mặc dù tôi đang là khách hàng có liên quan trực tiếp. Chưa kể, khi làm hồ sơ vay tôi chỉ được nhân viên tư vấn là mức đóng phí trả trước hạn chỉ bằng 1,6% nhân với số dư nợ còn lại", chị nói.
Chị Tuyền không thấy thỏa đáng với cách giải quyết của ngân hàng. Khi không đồng ý với số phí trả nợ trước hạn quá cao như trên, chị được phía ngân hàng hướng dẫn làm đơn miễn giảm. Sau đó, chị được giảm 50% phí trả nợ trước hạn, tức chỉ còn đóng khoảng 162 triệu đồng. "Quyết định này cũng chỉ được nhân viên truyền đạt bằng miệng chứ không có văn bản nào. Tôi e rằng, với cách làm việc như thế này rất dễ dẫn đến những quyết định cảm tính, tiêu cực", chị chia sẻ.
Không riêng chị Tuyền, các trường hợp chịu khoản phí trả trước hạn cao do không "đàm phán" kỹ trước khi ký hợp đồng khá phổ biến.Chị Thanh Tú ở quận Bình Tân, TP HCM cũng một phen ấm ức khi vay một tỷ đồng thời hạn 10 năm, nhưng mới 7 tháng vì có việc gấp cần phải tất toán hợp đồng để bán căn nhà đang thế chấp, chị bị nhà băng phạt hơn 80 triệu đồng, gần bằng 8% dư nợ gốc còn lại.
Chia sẻ về những trường hợp trên, cán bộ tín dụng một ngân hàng cho rằng, thông thường khi cho vay, các nhà băng đều không cho khách hàng tất toán hợp đồng trong năm đầu tiên kể từ ngày giải ngân. "Có chăng thì chỉ trả một phần nợ gốc, bất đắc dĩ khách phải tất toán hợp đồng thì hai bên cần có sự thoả thuận riêng", ông cho biết.
Từ năm thứ 2 trở đi, theo ông thì khách hàng có quyền tất toán lúc nào cũng được nhưng kèm theo khoản phí phạt trả trước hạn (cũng có ngân hàng miễn giảm cho khách). Tuỳ theo cách tính của mỗi ngân hàng và do sự thoả thuận với khách hàng mà mức phí này sẽ rất khác nhau. "Tại ngân hàng tôi, khi khách tất toán hợp đồng từ năm thứ 2 sẽ chịu mức phí phạt 2,5% trên tổng dư nợ gốc còn lại. Các năm sau đó, tỷ lệ này sẽ giảm xuống", ông nói.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, theo thông lệ quốc tế, việc thu phí trả trước hạn là bình thường và được quy định trong hợp đồng. Ở Việt Nam, việc nơi thu nơi không là tùy thuộc chính sách của mỗi ngân hàng. Có nhà băng cho rằng trong bối cảnh làm ăn khó khăn hiện tại, không thu phí trước hạn là cách họ chia sẻ khó khăn cùng với người vay. Ngược lại, có ngân hàng thu phí để bù đắp lại nguồn thu bị ảnh hưởng do khách hàng tất toán trước hạn.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cũng thông tin, trên thực tế, phí trả nợ trước hạn thực chất là biện pháp chế tài vi phạm hợp đồng tín dụng của người vay để bù đắp chi phí trả lãi huy động vốn của tổ chức tín dụng trong thời gian họ sắp xếp đưa số tiền này ra cho vay khách hàng khác. Vì vậy, việc thu phí trả nợ trước hạn của các nhà băng không trái với quy định pháp luật hiện hành.
"Riêng về mức phí phạt, hoàn toàn do sự thoả thuận giữa khách và ngân hàng. Do đó, khi đi vay, khách hàng cần phải đọc kỹ hợp đồng và có những thoả thuận cụ thể trước khi đặt bút ký để tránh bị thiệt thòi", ông Minh khuyến cáo.
Lệ Chi